Cây Đa Thần Rùa

Đình làng Rùa thờ thánh Tản Viên sơn (còn gọi là Sơn Tinh - Thánh đứng đầu Tứ Thánh Bất tử trong huyền sử Việt Nam, người độ trì cho sự bền vững ngàn đời và màu xanh bất tận của non sông nước Việt). Sau đó, đình được xây cất lớn tại đây. Đặc biệt, vào thời Hậu Lê, diện tích của đình lên tới vài mẫu. Khi ấy, tất cả các đồ thờ và vật tế tự của Đền Thượng toạ lạc trên độ cao 1100m của núi Ba Vì được di dời về đây do đền bị sập. Dưới thời vua Bảo Đại, đình làng Rùa đã được vua ban sắc phong. Tiếc rằng đình đã bị thiêu rụi toàn bộ trong khoảng thời gian 1946-1952 vì thôn Rùa và đình làng Rùa khi đó, là cơ sở kháng chiến của các cơ quan tỉnh Sơn Tây và là nơi đào tạo thiếu sinh quân cho trung đoàn Ký con do các tướng Hoàng Thái, Hoàng Sâm, Phùng Kế Tài lãnh đạo.

Qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử, bất chấp thời gian, cây đa thần Rùa huyền thoại của xóm Rùa vẫn đứng đó với những bành rễ vĩ đại tạo hình như những bộ chân móng của thần Rùa, với phần ngọn lá bất chấp năm tháng luôn giữ đựợc màu tươi xanh, rất xứng đáng là biểu tượng cho sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam qua hàng ngàn năm dựng nước. Cây đa thần Rùa và ngôi đình thôn Rùa còn nằm ở trên con đường chinh phục đồng bằng của người Mường trong quá trình di cư từ Muờng Bi (Hòa Bình) qua Lương Sơn xuống lập trại trồng lúa nước, khởi thủy cho nền văn minh lúa nước miền Châu thổ sông Hồng trong suốt thời gian biền lùi để nhường chỗ cho đồng bằng phù sa mầu mỡ xuất hiện. Theo phong tục mọi người dân làng Rùa khi đi qua Cây đa đều phải ngả mũ để thể hiện sự kính cẩn trước Thần cây đa.