Bài Viết Mẫu
Xây dựng và phát triển các hình thức Học trải nghiệm dựa vào triết lý của Nền giáo dục Cộng đồng, tiếng Anh là Community education viết tắt là Commmed. Với nền giáo dục này giá trị sâu xa cần đạt tới là tinh thần cống hiến, gốc gác của tính nhân văn ,dựa trên sự tự tin thực sự về giá trị tinh thần của bản thân trong quá trình khẳng định vững chắc chỗ đứng của cá nhân mình trong xã hội. Các nước phát triển coi đó là là một nền giáo dục riêng mà ở đó giáo dục nhà trường trở nên gắn bó với giáo dục gia đình và xã hội. Commed nhấn mạnh các cảm xúc mang lại cho học sinh thông qua trải nghiệm cuộc sống, mà chỉ có cảm xúc mới dẫn đến tư duy sáng tạo và là mảnh đất ươm trồng trí tưởng tượng. Cảm xúc (EQ) ngày nay được coi là chỉ số quan trọng hơn chỉ số thông minh (IQ) để đưa đến sự thành công đích thực trên đường đời của mỗi cá nhân, mỗi con người. Giáo dục cộng đồng còn được định nghĩa là một quá trình dạy và học được thiết kế đế làm giàu thêm tri thúc bằng sự thu nạp các kiến thức của cuộc sống thực gắn với kiến thức được dạy trong nhà trường. Từng cá nhân học sinh sẽ thể hiện kiến thức một cách thấu đáo trong sự tương tác với cộng đồng dân cư sống trên một khu vực địa lý nhất định, được và cùng với họ chia sẻ kinh nghiệm trong việc giải quyết một số vấn đề cụ thể có liên quan tới đời sống kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa trên vùng đất mà họ đang sinh sống. Bằng hình thức hoạt động nhóm trên tinh thần dân chủ tuyệt đối và được diễn ra trong một không gian thực sinh động Giáo dục cộng đồng (gdcđ) sẽ bổ sung rất hiệu quả kiến thức học trong nhà trường.
Và với cấu trúc phi truyền thống nên gdcđ thu hút được sự đáp ứng tức thì nhanh chóng của nhiều bộ môn khoa học và là môi trường tạo ra cho học sinh các cơ hội để:
- Tăng cường sự hứng thú và đam mê đối với sự hiểu biết tri thức.
- Tăng khả năng tư duy sáng tạo và sự hoạt bát tự tin.
- Phát triển kỹ năng mềm về mặt xã hội.
- Tăng hiệu quả giải quyết công việc.
Nền giáo dục cộng đồng tùy theo xu hướng văn hóa tinh thần của từng quốc gia sẽ có những nét đặc trưng nổi bật nhưng luôn đi song hành với việc cần tổ chức cộng đồng (tổ chức xã hội) để giải quyết công việc theo một tinh thần xã hội chung Ví dụ tại Pháp: nhấn mạnh sự gắn kết trên sự đóng góp xuất sắc của từng cá nhân như trong tiểu thuyết Ba ngự lâm pháo thủ một người vì mọi người và ngược lại, còn tại các nước châu Á như Việt nam nhấn mạnh yếu tố truyền thống gia đình, làng xóm. Nhưng tất cả đều phải tuân theo một nguyên tắc chung: giáo dục cộng đồng là vì cộng đồng và phải được thực hiện trong cộng đồng. Do vậy khi thực hành nền gdcđ cần có một tư duy tổ chức là các hoạt động gdcđ luôn phải được tiến hành trong mối quan hệ tiếp xúc, trao đổi kiến thức kinh nghiệm của cá nhân học sinh với giảng viên có thể trong hay ngoài trường và nhóm người cùng học. Và để đạt được sự hiểu biết thấu đáo nên các khóa học và tập huấn sẽ được đưa ra trên nhu cầu cần thiết về các kiến thức cần bổ sung thêm cho học sinh. Một số các lớp sẽ được đưa vào lịch của từng học kỳ trong khi một số khác được tổ chức theo yêu cầu nhưng mỗi lớp không quá đông để ai cũng có thể lần lượt trình diễn cọ xát với nhóm của mình. Tốt nhất mỗi lớp không quá 50 người .Các lớp học này hiện nay tại số ít trường phổ thông Hà nội đang được đặt tên là lớp học công nghệ, về nội dung khác hẳn các chuyến đi dã ngoại đang được tổ chức hàng năm phần lớn chỉ phục vụ mục đích giải trí .